QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM HÙM THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Mục tiêu phát triển nuôi tôm hùm vùng ven biển miền Trung thành ngành kinh tế trọng điểm của các tỉnh miền Trung theo hướng từng bước hiện đại hóa bằng công nghệ nuôi mới và thân thiện với môi trường; Sản phẩm tôm hùm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo đó, định hướng Quy hoạch nuôi tôm hùm phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung; Phát huy lợi thế, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khai thác hiệu quả nguồn lực hiện có của các tỉnh ven biển miền Trung để nuôi tôm hùm bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu rủi ro cho các vùng nuôi tôm hùm trong lồng hiện có; Phát triển và áp dụng công nghệ nuôi trong lồng biển ven bờ, nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ để gia tăng sản lượng tôm hùm. Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế khác nhau, trong đó, nhà nước hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung và khoa học công nghệ.

Về đối tượng quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm sẽ chủ yếu tập trung nuôi 04 loài tôm hùm tại miền Trung với 02 đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (P. ornatus) và tôm hùm xanh (P. hormarus). Hai đối tượng còn lại là tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P. polyphagus). Trong Quy hoạch đã nêu rõ, vùng nuôi tôm hùm tập trung tại các tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ của 10 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tp. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) đạt 1,0 triệu m3; Sản lượng: 1.940 tấn/năm; Giá trị hàng hóa tôm hùm đạt 3.200 tỉ đồng/năm. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi bằng lồng, bè trong vịnh kín và biển hở ven bờ là 1,041 triệu m3; Sản lượng: 2.200 tấn/năm. Đối với nuôi trên bờ diện tích đạt 160 ha; Sản lượng 480 tấn/năm; Giá trị hàng hóa: 4.300 tỉ đồng/năm; Sản xuất được 1,0 triệu con giống nhân tạo, đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.

Quyết định cũng đã chỉ rõ những giải pháp về cơ chế chính sách thực hiện. Theo đó, Ngân sách Nhà nước đầu tư nâng cấp các Trung tâm giống Quốc gia, xây dựng các công trình, cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu cho các vùng nuôi tôm hùm tập trung; đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ và nhập công nghệ mới, tiên tiến, kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và khuyến ngư.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống tôm hùm tập trung áp dụng công nghệ cao và sản xuất giống gốc theo quy định tại Quyết định 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về khoa học công nghệ và khuyến ngư, huy động nguồn lực để tổ chức nghiên cứu tập trung, dài hạn trên cơ sở hợp tác với các quốc gia như Úc, New Zealand, Na uy hoặc nhập công nghệ cao để chủ động sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông và công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ.

Quyết định cũng nêu rõ tổng vốn đầu tư cho các dự án ưu tiên là 223 tỉ đồng và được phân thành 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2020 đầu tư 72 tỉ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 60 tỉ đồng; định hướng từ 2020 đến 2030 là 151 tỉ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước là 117 tỉ đồng.

Nguồn: Tổng cục Thủy Sản