QUẢNG NINH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh toàn diện ở các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 4209/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu phát triển là phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, chủ động trong sản xuất giống chất lượng cao; nuôi trồng các đối tượng chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo.

Cụ thể, đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 135.000 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 65.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 70.000 tấn. Kinh tế thủy sản phấn đấu chiếm trên 3% GRDP của tỉnh, đóng góp từ 60-65% GRDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp. Giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 6.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động. Bên cạnh đó, hình thành 03 Trung tâm nghề cá và 01 Trung tâm thương mại nghề cá thuộc tỉnh gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, hậu cần nghề cá đồng bộ; chủ động sản xuất được giống các đối tượng nuôi chủ lực.

Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 176.000 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 78.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 98.000 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng trên 8.900 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 200 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 65.000 lao động. Đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh phát triển đạt trình độ tiên tiến so với các nước trong khu vực; chủ động sản xuất được giống các đối tượng nuôi chủ lực, đáp ứng 100% nhu cầu giống nuôi trồng thủy sản của tỉnh và đảm bảo giống thủy sản có chất lượng cao.

Định hướng phát triển nuôi trồng đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 20.722 ha (trong đó: nuôi nước ngọt: 3.120 ha, nuôi mặn lợ: 17.602 ha) và 10.280 ô lồng nuôi biển; đến năm 2030 đạt 21.942 ha (trong đó: nuôi nước ngọt: 3.110 ha, nuôi mặn lợ: 18.832 ha) và 11.800 ô lồng nuôi biển. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản: đến năm 2020 đạt 70.000 tấn (nuôi nước ngọt đạt 12.710 tấn, nuôi mặn lợ đạt 57.290 tấn); đến năm 2030 đạt 98.000 tấn (nuôi nước ngọt đạt 15.400 tấn, nuôi mặn lợ đạt 82.600 tấn).

Về sản xuất giống và thức ăn thuỷ sản cần sắp xếp, cải tạo và nâng cấp các cơ sở sản xuất giống hiện có; tập trung nghiên cứu, nhập và chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất và chất lượng con giống, đảm bảo đến năm 2020 sản xuất đạt trên 6,0 tỷ giống; đến năm 2030 sản xuất đạt 8,0 tỷ giống thủy sản các loại.

Về khai thác thủy sản, mục tiêu phát triển số lượng tàu thuyền khai thác đến năm 2020 tổng số tàu giảm xuống còn 7.000 tàu (trong đó tàu đánh bắt xa bờ đạt 602 tàu); đến năm 2030 tổng số tàu giảm xuống còn 6.680 chiếc (trong đó tàu đánh bắt xa bờ đạt 800 chiếc). Giảm tổn thất sau thu hoạch sản phẩm khai thác hải sản từ trên 20% hiện nay xuống dưới 10%.

Về chỉ tiêu phát triển tàu thuyền theo nhóm công suất: tàu cá dưới 20 CV đến năm 2020 giảm xuống còn 3.746 chiếc, đến năm 2030 còn 2.610 chiếc, bình quân giảm 5,86%/năm. Tàu cá từ 20 CV đến < 50 CV đến năm 2020 đạt 1.550 chiếc, đến năm 2030 giảm xuống còn 1.515 chiếc, bình quân giảm 0,2%/năm. Tàu cá từ 50 CV đến < 90 CV đến năm 2020 đạt 1.102 chiếc, đến năm 2030 đạt 1.755 chiếc, bình quân tăng 13,03%/năm. Tàu cá > 90 CV đến năm 2020 tăng lên đạt 602 chiếc, đến năm 2030 đạt 800 chiếc, bình quân tăng 5,83% /năm.

Cơ cấu nghề khai thác hải sản: phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường như nghề lưới rê khơi, nghề câu, nghề chài chụp xa bờ; phát triển các tàu dịch vụ thu mua sản phẩm khai thác hải sản xa bờ. Giảm các nghề khai thác ven bờ, kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi hải sản như các nghề lưới kéo, một số nghề lưới rê ven bờ, lồng bẫy,…

Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tổ chức điều tra, khoanh vùng quản lý các khu vực bảo tồn đối với các loài thủy hải sản quý hiếm; bãi sinh sản, bãi giống thủy sản; quy định các vùng cấm khai thác có thời hạn; quy định thời gian cấm khai thác đối với một số loài tự nhiên có giá trị kinh tế cao; bổ sung quy định kích thước khai thác cho các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế như: Ngán, ốc đá, ốc nhảy, ốc màu… Bên cạnh đó, phục hồi, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái như: rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển,… thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý cộng đồng đối với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh đến 2020 định hướng đến 2030; lập “Đường dây nóng” bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh.

Về chế biến và tiêu thụ thủy sản, mục tiêu phát triển đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD; trong đó giá trị chế biến xuất khẩu đạt 40 triệu USD; có 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD, trong đó giá trị chế biến xuất khẩu đạt 90 triệu USD.

Về dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư phát triển xây dựng cảng cả, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 12/11/2015 và quy hoạch bổ sung các khu neo đậu tránh trú bão và bến cá thuộc tỉnh. Khuyến khích đầu tư nâng cấp các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, giai đoạn 2016-2020 cần triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở đóng tàu bằng vật liệu mới, vật liệu bằng sắt, composit, vật liệu tổng hợp. Đối với lĩnh vực nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung các đối tượng nuôi chủ lực, hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác quản lý nuôi trồng thủy sản (trọng tâm là các vùng nuôi tập trung). Đối với lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản, đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ cá và chợ đầu mối thủy sản; hỗ trợ di dời và đầu tư xây dựng cho các nhà máy chế biến thủy sản tại Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn theo quy hoạch; phát triển các nhà máy chế biến ở các địa phương có lợi thế nguồn nguyên liệu. Đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, hầm bảo quản lạnh trên tàu cá; kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở chế biến thủy sản tại khu dịch vụ hầu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ .

Nguồn: Tổng cục Thủy Sản